Sau 1 tháng đi vào hoạt động, 3 tuyến xe buýt điện không trợ giá quanh Khu trung tâm thành phố (tuyến D1) và Phú Mỹ Hưng (tuyến D2 và D3) đã được người dân TP Hồ Chí Minh cũng như khách du lịch trong nước và quốc tế đánh giá rất cao.
Cần nhân rộng mô hình
Có mặt tại Bến xe công viên 23-9 (quận 1), theo ghi nhận, dù xe buýt điện khoảng 15 phút nữa mới xuất phát, nhiều hành khách đã ngồi ngay ngắn trên từng dãy ghế được bọc bằng nệm. Lần đầu tiên đi loại hình vận tải mới của thành phố, bà Nguyễn Thị Tý (75 tuổi, ngụ quận 4) cho biết, bà đã nghe về loại hình này cả tuần nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì thế, hôm nay bà thu xếp công việc để đi.
“Sau khoảng 30 phút đi qua khu vực trung tâm thành phố, tôi được tận mắt chứng kiến nhiều cảnh đẹp của thành phố trong tâm trạng rất thoải mái và vui vẻ. Xe lại di chuyển từ từ theo lộ trình riêng, từng hành khách được thắt dây an toàn nên rất yên tâm”, bà Tý chia sẻ sau khi đi hết chặng đi – về Công viên Thảo Cầm Viên.
Lần đầu tiên được trải nghiệm xe buýt điện khi đến TP Hồ Chí Minh, chị H’Dim Kdol, ở TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đánh giá, loại hình này rất tuyệt vời và tiện lợi cho gia đình chị khi đi du lịch. Theo chị H’Dim Kdol, do lần đầu đến TP Hồ Chí Minh, nên việc di chuyển của chị rất khó khăn do chưa quen đường sá. Tuy nhiên, khi đi xe buýt điện, gia đình chị đã hiểu rõ hơn các địa điểm nổi tiếng của thành phố nhờ trên xe trang bị hệ thống loa rao trạm thông báo rất rõ ràng cho mỗi hành khách. Chưa kể, giá vé di chuyển rất phù hợp với khách đi chơi lẫn công việc. “Thời gian tới, tôi mong TP Hồ Chí Minh sẽ mở rộng mô hình này và xa hơn nữa là mở rộng ra các đô thị lớn trong cả nước”, chị H’Dim Kdol bày tỏ.
Hào hứng sau khi đi cả lượt đi và về quanh khu vực quận 1, anh Peter Ewail (du khách đến từ Thụy Điển) tỏ ra rất phấn khích khi được trải nghiệm trên xe buýt điện. Theo anh Peter Ewail, đi xe này vừa không bị ô nhiễm không khí, vừa cảm nhận rõ ràng về TP Hồ Chí Minh, vừa thuận lợi cho du khách di chuyển. Bên cạnh đó, anh Peter Ewail góp ý, nhà đầu tư nên sử dụng hệ thống rao trạm song ngữ Việt – Anh cũng như quảng bá các tuyến xe buýt điện bằng tiếng Anh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng, trang du lịch… để khách quốc tế biết đến nhiều hơn.
Là tài xế hoạt động trên tuyến ngay sau khi mở tuyến xe buýt điện, anh Nguyễn Thế Hùng, tài xế tuyến xe buýt điện D1 chia sẻ, loại hình vận tải này tuy mới đi vào hoạt động 1 tháng nay nhưng đã thu hút lượng khách tăng lên từng ngày, đặc biệt vào dịp cuối tuần, khách đông đến nỗi phải chạy liên tục do mới có 5 đầu xe; thậm chí nhiều hành khách rất mong muốn tăng cường thêm số lượng xe, số chuyến trong ngày và mở thêm nhiều tuyến đi khắp thành phố.
Cũng theo chị Trần Thị Phiên, tài xế tuyến xe buýt điện D1, công việc lái xe buýt điện luôn mang lại tâm trạng thoải mái vì hành khách rất vui vẻ và hòa đồng. Mặt khác, lại được ngắm nhìn các địa điểm du lịch đẹp của thành phố như chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhà thờ Đức Bà, khu phố Tây, công viên, vườn thú… Đặc biệt, loại xe này nhỏ gọn, lên xuống dễ dàng, ngồi thoải mái, không bị say xe, thú vị hơn là xe quy định đúng chỗ ngồi chứ không phải chen chúc nhau, do đó, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, thậm chí là người khuyết tật rất thích thú.
Được biết, hiện tuyến xe buýt điện D1 có 5 đầu xe với 10 tài xế. Mỗi xe đều được trang bị đầy đủ hệ thống camera giám sát, dây thắt an toàn, hệ thống loa rao trạm…, xe được nạp năng lượng bằng điện không những góp phần bảo vệ môi trường mà mỗi lần nạp điện xe có thể vận hành thoải mái trong 2 ca/ngày.
Các tài xế hoạt động 1 ca/8 tiếng/ngày và hoạt động đến 9 giờ tối là kết thúc. Thu nhập bình quân mỗi tài xế từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng và được đóng đầy đủ bảo hiểm cũng như các quyền lợi liên quan của người lao động.
Loại hình vận tải hành khách tương lai
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh (chủ đầu tư tuyến xe buýt điện D1) cho biết, các tuyến xe buýt điện đang hoạt động thí điểm cùng với các tuyến buýt sử dụng bằng nhiên liệu sạch đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và đây cũng là xu thế vận tải hành khách công cộng của thế giới. Bởi hiện nay, các nước phát triển trên thế giới đều sử dụng các loại xe di chuyển bằng nhiên liệu thân thiện với môi trường, từ xe điện cá nhân đến công cộng. Do đó, việc sử dụng xe buýt điện cũng là cách góp phần xây dựng thành phố thông minh trong thời gian tới, đặc biệt, tuyến xe này không trợ giá từ ngân sách của nhà nước.
Cũng theo ông Hồ Huy, mặc dù đã được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho đầu tư và triển khai xe taxi điện, tuy nhiên, do thuế nhập khẩu ô tô quá cao nên việc mua xe đang gặp khó khăn. Cụ thể, nếu mua sắm 1 xe ít nhất khoảng 1,5 tỷ đồng, đồng nghĩa với thời gian thu hồi vốn mất khoảng 5 đến 6 năm. Do đó, thời gian tới rất mong Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng liên quan có cơ chế riêng để có thể giảm giá thành nhập khẩu ô tô điện, qua đó sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sớm đưa vào hoạt động taxi điện phục vụ người dân đi lại.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho hay, sau thời gian hoạt động thí điểm của các tuyến xe buýt điện trên địa bàn thành phố, Sở GT-VT TP cùng các đơn vị liên quan sẽ tổng kết và đánh giá cụ thể loại hình này để đưa ra những giải pháp cũng như bước đi tiếp theo và báo cáo lên UBND TP xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 24-1 vừa qua, Trung tâm Điều hành và Vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động thí điểm tuyến xe buýt điện 4 bánh không trợ giá ở Khu vực Trung tâm thành phố (quận 1) và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Việc đưa vào sử dụng loại phương tiện mới này được kỳ vọng góp phần tăng thêm sự lựa chọn cho người dân trong việc sử dụng phương tiện công cộng, giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Loại hình vận tải hành khách công cộng mới này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho 2 doanh nghiệp thực hiện là Tập đoàn Mai Linh và Công ty Phố Cảnh.
Lộ trình tuyến xe buýt điện chạy khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh:
Lượt đi: Công viên 23/9 – Lê Lai – Hàm Nghi – Hồ Tùng Mậu – Tôn Đức Thắng – Nguyễn Huệ – Nguyễn Thiệp – Đồng Khởi – Đông Du – Hai Bà Trưng – Nguyễn Siêu – Thái Văn Lung – Lý Tự Trọng – Chu Mạnh Trinh – Nguyễn Du – Mạc Đĩnh Chi – Lê Duẩn – Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Lượt về: Thảo Cầm Viên Sài Gòn – Lê Duẩn – Công trường Công xã Paris – Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Huệ – Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi – Trần Hưng Đạo – Phạm Ngũ Lão – Công viên 23/9.
Cự ly tuyến dài 5 km; sức chứa từ 12-15 chỗ; Thời gian hành trình: 30 phút/chuyến; Thời gian giãn cách: 30 phút/chuyến; Giá vé: 12.000 đồng/lượt hành khách đi suốt tuyến; 6.000 đồng/lượt hành khách đi 1/2 lộ trình tuyến; 40.000 đồng/ngày đi hết tuyến 1 khách/4 giờ; 100.000 đồng/chuyến/1 xe thuê bao cả tuyến; giá vé lẻ trong ngày cho 1 khách 120.000 đồng/ngày.
Hà Tuấn
Tin liên quan
Xe điện du lịch – Giải pháp hoàn hảo cho ngành du lịch Việt Nam
Th12
Xe điện 4 bánh chở hàng: Xu hướng vận chuyển an toàn, tiết kiệm cho các khu công nghiệp
Th12
Giá xe điện du lịch 14 chỗ: Lựa chọn kinh tế cho các công ty du lịch
Th12
Biến xe điện 4 bánh thành “chữ ký” thương hiệu của resort
Th12
Xe điện nội khu – Giải pháp giao thông an toàn cho khu đô thị và nhà máy
Th12
Xe điện 4 bánh có mái che: Sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và thiết kế
Th11